Khi tôi bắt đầu làm dự án startup công nghệ cho du lịch nên ngoài xem những cuốn sách thì tôi cũng lang thang trên mạng để tìm kiếm những bộ phim hay tạo động lực, truyền cảm hứng hay giúp tôi có thêm một điều gì đó để tiếp tục con đường startup đầy gian nan nhưng đầy thú vị mới mẻ này. Vì chưa thấy hoặc rất ít bài viết phim ảnh chia sẻ về startup công nghệ ( vì chủ đề này vốn khô khan kén người và đang là còn mới mẻ) nên tôi tóm tắt chia sẻ lại các bộ phim hay cho dân startup công nghệ dưới góc nhìn, cảm nhận chủ quan thôi nhé!
1. Social Network (Mạng xã hội) 2010
Đầu tiên không thể không nhắc đến bộ phim kinh điển Social network này mà giờ nó cũng đã đi vào huyền thoại của thiên tài tạo ra Facebook – Mark Zuckerberg.
Bộ phim là hành trình đi từ ý tưởng (mà đó cũng có thể không xuất phát từ bạn hoặc trùng ý tưởng) của Mark rồi lập dự án, kiếm co-founder, đi tìm nhà đầu thiên thần, giải quyết các vấn đề quan trọng mà founder đối mặt như xung đột với co-founder, nhà đầu tư về quan điểm, đường hướng kinh doanh … rồi đến cách vận hành dự án startup khi nó phát triển quá nhanh quá nguy hiểm thế nào, đương đầu với những khó khăn khi founder là một chàng trai trẻ ra sao để vươn đến đỉnh cao.
Bạn có thể tham khảo thêm sách: Trở thành Faebook – 10 thách thức trên con đường tái lập thế giới
r
2. Silicon Valley (Thung lũng Silicon) 2014-2019
Đây là phim truyền hình của HBO gồm 6 season (mỗi season từ 8 đến 10 tập). Tôi biết tới bộ phim này năm 2018 khi bắt đầu với dự án startup công nghệ cho du lịch và chờ đợi season cuối kết thúc vào tháng 10/2019. Với tôi các season vừa là bô phim bi hài kịch từng giai đoạn phát triển của team 3 chàng khởi nghiệp là Richard Hendricks – một anh chàng coder pro cùng chàng coder Java và kiến trúc sư hệ thống khi bắt đầu sự nghiệp startup Pied Piper với công nghệ nén dữ liệu khi đối đầu Gavin Belson founder CEO của Hooli gã công nghệ khổng lồ dựa trên các hình tượng như Google hay Apple đời thực như những con cá mập luôn chực chờ nuốt cá chú cá startup bé.

Tuy là phim bộ truyền hình dài tập của HBO nhưng nó được làm rất tỉ chi tiết mà người xem cứ nghĩ đây là một startup thực sự bạn có thể xem qua ngay cả website cho tên dự án ở trên phim cũng vậy piedpiper.com hay hooli.xyz đến các sản phẩm trong phim (nhưng có lẽ vì fan công nghệ không mặn mà về thời trang nên các sản phẩm chỉ bán được một thời gian rồi tạm ngưng luôn).
Điểm nhấn phim là founder Richard Hendricks xuất thân dân công nghệ nên các kĩ năng về quản trị rất kém, vì vốn là chàng trai thật thà có phần ngây thơ (có lẽ ông trời hay đỗi đãi kẻ khù khờ sau lần a gặp vận xui sẽ lại được bù hên…) Cùng các nhân vật phụ là chàng coder khôn lỏi người Trung Quốc, một chàng trai ngốc nghếch Big Head nhưng lại hay gặp may mắn, cô nàng “phù thủy da trắng” của quỹ VC, 1 anh chàng mập hay nói triết lý vì lúc nào cũng phê pha cần và nấm thần,…
Phim là 1 hành trình dài nhiều thăng trầm của startup Pied pier từ khi phát minh ra thuật toán nén data rồi chuyển sang AI, New Internet phi tâp trung cty startup thì lúc lên voi khi xuống chó, may mắn rồi lại xui rủi cứ đan xem với nhau. Có lẽ vì thế mà đến một lúc nào đó trong cuộc đời founder nhìn lại những chặng đường đã qua họ nhận ra rằng họ theo đuổi dự án đó như là một sứ mệnh trong cuộc đời (theo cách nói của Steve Job đó là những điểm kết nối), chứ không còn màng đến danh lợi, thắng thua trên thương trường nữa nên trong tập season 6 đạo diễn và nhà biên kịch season 6 để kết thúc mở khi để các nhân vật già đi và nhìn lại dự án năm xưa của họ cũng như thông điệp với các startup sau tiếp tục giải quyết vấn đề về new internet còn dang dở do hạ tầng công nghệ chưa theo kịp như cách họ đã tiếp nối dự án từ bản viết tay về idea của 1 founder thế hệ trước.
3. App War ( Tình yêu hay tiền tỉ) 2018

Đây là một bộ phim của Thái Lan nên nó rất gần gũi với giới trẻ khi bắt đầu startup. Vì bộ phim thuộc đi vào thể loại tình cảm, hài của các nhà startup trẻ trên con đường khởi nghiệp với đầy các cung bậc cảm xúc tuổi trẻ. Có lẽ vì startup xuất phát từ giải quyết bài của chuyện tình cảm cá nhân nên khi mất đi tình cảm đó thì các founder cũng mất đi động lực chính để theo đuổi theo dự án tới cùng. Tuy nhiên phim cũng giúp cho chúng ta cái nhìn khác biệt thường thấy ở team mạnh công nghệ nhưng yếu marketing và team mạnh về truyền thông lại yếu mảng công nghệ. Nếu cả 2 hài hòa được cả phần UI/UX cho App và phần xử lý kỹ thuật ở backend tốt thì khả năng scale up và sống sót sẽ cao hơn.
Bộ phim cũng không phải là phim thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp lên cao với kết thúc thành công hoành tráng mà luôn cho các bạn trẻ thấy rằng startup công nghệ là một con đường cực khó chỉ có 2% là tồn tại phát triển được thôi. Và các founder luôn phải tự hỏi bản thân tại sao bạn lại startup? Để mỗi khi khó khăn gian khổ trên hành trình khởi nghiệp thì chúng ta nhớ lại lý do tại sao bạn lại bắt đầu.
4. Upstarts ( Giấc mơ khởi nghiệp) 2019
Tôi thì thích hiểu theo các chơi chữ StartUp để Upstart tức là nhiều người trong chúng ta muốn StartUp để được Upstart để trở thành những kẻ mà tôi hay dùng đó là từ “trọc phú”. Tôi cũng không kì thị gì với những kẻ trọc phú vì ở đâu cũng có người this người that mà. Qua bộ phim Upstarts của Ấn Độ này cho tôi thấy phần nào mình trong nhân vật founder là Kapil cố gắng bon chen vươn lên trong cuộc sống với dự án ban đầu với idea là vận chuyển dược phẩm từ thành phố về làng quê. Về sau scale up lên thành giao hàng và vận tải…

Có lẽ vì là phim chiếu trên Netflix nên đạo diễn và nhà biên kịch không đẩy các kịch tính của các tuyến nhân vật lên cao trào mạnh như phim chiếu rạp mà chọn các cách giải quyết vấn đề sao cho tình cảm 3 anh em chiến hữu cũng như đối với các nhà đầu tư xung đột ở mức độ vừa phải kết thúc mọi chuyện trong sự hài lòng của tất cả các bên.
Tôi thích cách giải quyết của bộ phim khi Kapil tìm mọi cách để có được nhà đầu tư thiên thần, ngay cả khi mà dự án của a đóng cửa vì thiếu tài chính, cũng có thể đó là do cái “duyên” gặp gỡ bắt chuyện 1 anh rich kid ở sân bay nhưng quan trọng hơn là Kapil biết tận dụng và chụp mọi cơ hội khi có thể chấp nhận rủi ro khi bỏ công việc ở Mỹ. Và khi gặp quỹ đầu tư lớn cho deal 6 tỷ rupee bà giám đốc không bàn về cụ thể chi tiết dự án mà chỉ muốn biết WHAT và WHY từ chính sự thấu cảm (empathy) về nỗi đau của founder với vấn đề đó thế nào? Còn ở phần cuối phim trong cuộc chơi vương quyền Kapil đã thua và chọn cách rời vị trí CEO công ty mình sáng lập mà vẫn tránh xung đột với hội đồng quản trị khi chỉ chọn giữ lại cho mình bộ phận NGO dược phẩm. Đó có thể là sự giác ngộ, sự lựa chọn khi trở về với lý do mà anh ấy bắt đầu dự án và cùng với lý tưởng về dịch vụ xã hội của cô bạn thân, các anh em chiến hữu ban đầu.
5. Start-up (Khởi nghiệp) 2020
Một bộ phim truyền hình 16 tập của Hàn Quốc nội dung là:
“Start-up” lấy bối cảnh ở Sand Box – Thung lũng Silicon ở Hàn Quốc, nơi những người trẻ có ước mơ vươn tới thành công trong thế giới của các công ty khởi nghiệp. Suzy đóng vai Seo Dal Mi, một cô gái có mơ ước trở thành Steve Jobs của Hàn Quốc, trong khi Nam Joo Hyuk vào vai Nam Do San, người sáng lập công nghệ Samsan.

2 nhân vật chính ngoài thế mạnh ngoại hình ra chẳng có chút thần thái hay chuyên môn của dân start-up nào cả. Nữ chính kiểu phông bạt không thực lực, toàn nhờ vả, và được sự giúp đỡ, cũng như sự may mắn. Còn nam chính IT thì ngoài ù lì mà cũng chẳng giống IT ngoài thật, nhưng thể hiện cảm xúc đúng chất sến súa ngôn tình kiểu phim Hàn Quốc. Có lẽ nhân vật nam phụ Trưởng phòng Han là quản lý quỹ SH, là nhà đầu tư thiên thần thì diễn tròn vai và thể hiện được phần nào vai trò của mentor trong start-up thực tế. Có lẽ phim chỉ mang lại động lực, cảm xúc cho các bạn trẻ, sinh viên mới tập tễnh bước vào khởi nghiệp mà thôi.
Trong phim tôi cũng không đồng tình lắm với khái niệm Sand box ( tên ban đầu của phim) nó cũng giống như vườn ươm kiểu như là một đống cát cho dân start-up tự do khởi nghiệp nếu có té thì cũng đỡ đau vì đã có đống cát giúp cho họ không bị thương nặng và có thể đứng dậy được, nó chỉ phù hợp cho các bạn là sinh viên mới ra trường, hay người mới lần đầu khởi nghiệp thôi. Chứ dân kinh doanh thực tế hay startup thì phải biết sự khốc liệt của thị trường này còn hơn chiến trường vì tỉ lệ sống sót rất thấp. Nếu trong một môi trường đấu tranh sinh tồn cao mà biết mình có một sự hỗ trợ phía sau thì startup có thể khó có thể đột phá lớn được. Nên cứ theo kiểu”Đốt thuyền” thì tốt hơn, dồn người làm start-up luôn vào thế sống còn.
6. Phim Thời Đại Khởi Nghiệp (Trung Quốc 2018)
Phim truyền hình dài tập 54 tập dành cho những người rảnh rỗi, giết thời gian trong thời gian cách ly, hoặc muốn tìm hiểu môi trường giới khởi nghiệp công nghệ đang diễn ra thế nào nhưng không có điều kiện thực tế hay các bậc tiền bối chỉ dạy để có cái nhìn tổng quát hơn, ngoài chuyên môn lĩnh vực mà có thể mượng tường được để áp dụng ở Việt Nam vì bối cảnh ở Trung Quốc trong thời đại Mobile internet thưở sơ khai nên có cũng một số nét tương đồng về nhân sự sáng lập, quản lý con người, cách cư xử làm việc với các quỹ và nhà đầu tư kiểu châu Á. Đặc biệt là mối quan hệ với chính quyền về chính sách, giấy phép, thuế… như thế nào là cực kì quan trọng đối với startup công nghệ trong môi trường kinh tế thị trường định hướng XHCN, điều không có trong văn hóa hay phim phương Tây.

Phim xoay quanh founder Quách Hâm Niên (Hoàng Hiên đóng). Anh đã quyết tâm tạo ra APP có thể dùng giọng nói để nhắn tin tới người khác, sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại. Để có được sự ủng hộ của nhà đầu tư và bạn bè, anh phải trải qua quá trình nghiên cứu phát minh gian khổ vô cùng để thực hiện ước mơ của mình, đặt tên là Magic crystal – Ma Tinh và gặt hái được thành công to lớn. Đồng thời, anh cũng nảy sinh cảm tình với nhà đầu tư phân tích của quỹ đầu tư là Na Lam. Tất nhiên con đường xây dựng sự nghiệp của anh không hề thuận buồm xuôi gió như anh nghĩ, rất nhiều lần vì kiện cáo, kĩ thuật tưởng chừng như phải bỏ dự án APP này. Nhưng sau tất cả anh kết thúc hành trình khi vào thế phải bán startup này cho công ty công nghệ lớn như instagram bán cho Facebook vậy, hài lòng với cuộc sống có phần êm đềm hơn bên người yêu. Đó cũng là giải pháp khá cân bằng giữa tình cảm và sự nghiệp mà vẫn tiếp tục góp phần vào cuộc cách mạng số và “change the world” đó là trở thành nhà đầu tư thiên thần để tiếp tục sứ mệnh đầu tư vào thế hệ kế trẻ tiếp.
Trong phim còn có nam phụ La Duy giống như Lưu Bang là người sống chết theo đuổi sự nghiệp dù nhiều lần thất bại trước Hạng Vũ – Quách Hâm Niên sau khi đã thuyết phục được shark Lý Bôn Đằng trong cách mạng Mobile internet thưở sơ khai còn nhiều khó khăn về hạ tầng và vướng mắc về pháp lý để xây dựng thành công Super App Đồng Tấn. Lý Bôn Đằng – “ông trùm công nghệ” luôn muốn mình có sự thông minh như Khổng Tử, lại có lòng hiệp nghĩa như Lưu Bị nhưng quản trị kinh doanh nhân sự như Tào Tháo sẵn sàng tiêu diệt hoặc thu mua đối thủ cạnh tranh, thần tượng Steven Jobs là luôn phải đổi mới sáng tạo ngay cả khi là phải cạnh tranh với chính mình như iphone cạnh tranh và tự tiêu diệt ipod, (có lẽ ông Phạm Nhật Vượng vingroup cũng theo tinh thần đó nên đã đổi slogan từ “Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển” thành “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” ) cho dù đang ngồi ở đỉnh cao, dù đã rất giàu có nhưng vẫn còn để ghế nằm ở văn phòng chứ không chịu mua biệt thự, du thuyền, siêu xe du lịch định cư ở nước ngoài ngày ngày hưởng thụ như 4 người bạn co-founder.
Cũng như các phim truyền hình Tàu có nhiều tình tiết khá vô lý, khiên cưỡng rồi các mối quan hệ tình cảm thì dài dòng xen lẫn công việc, phong cách, văn hóa cơ quan công quyền vẫn cư xử khá cảm tính trong công việc, Các phương pháp quản trị doanh nghiệp mang đậm tính chất Á Đông, khó làm việc tập thể vì tập trung phần lớn vào sự đấu đá, đấu trí tranh giành quyền lực lợi ích với nhau không chỉ ở cty còn nhỏ mà cả công ty lớn trong nội bộ hơn chứ không phải là những quy tắc chung, vì khách hàng vì thị trường, cạnh tranh với đối thủ lớn bên ngoài thế giới kia hoặc vì sứ mệnh để chuyển từ công ty tốt thành vĩ đại.